Hành trình tìm cây sâm quý trên núi Báo

Suốt 5 năm ròng tìm cây Sâm Báo từng được tiến cho vua Hồ chúa Trịnh, ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Triso Group tưởng chừng vô vọng, nhưng may mắn ông Minh đã tìm được giống Sâm Báo thuần chủng để nhân giống, phát triển cây trồng, làm giàu cho quê hương.

Cơ duyên gắn bó với cây Sâm Báo

Nâng niu củ Sâm Báo vừa mới thu hoạch còn thơm mùi đất quyện hương thơm đặc trưng của giống sâm quý, Doanh nhân Văn hóa Trần Đức Minh - Chủ tịch Triso Group nhớ lại cơ duyên ông tìm ra cây Sâm Báo. Ông Minh kể, ông nhận được lời mời của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về quê hương hiến kế tìm cách phát triển cho vùng đất du lịch tiềm năng, nơi xây dựng di tích thành Nhà Hồ lịch sử.

“Nhân lúc nhâm nhi chén trà bên thành Nhà Hồ, tôi mới biết được câu chuyện về cây sâm quý trên núi Báo, còn được gọi là cây Sâm Báo. Đây là cây sâm được vua Hồ, chúa Trịnh tin dùng với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.”, ông Minh nói.

Đọc cuốn sách lịch sử về Thành nhà Hồ, ông Trần Đức Minh không khỏi xúc động về hoàng đế Hồ Qúy Ly - một nhân vật lịch sử bị nhiều tiếng oan qua miệng lưỡi thế gian. Song, ít ai biết về thành tựu canh tân đất nước, khôi phục kinh tế, xã hội của vua Hồ cuối đời Trần. Hồ Qúy Ly cũng là người phát triển cây Sâm Báo, đưa nó thành bảo vật sức khỏe vào thế kỷ XV.

Doanh nhân Văn hóa Trần Đức Minh bên Thành nhà Hồ

Vào thời nhà Hồ, cây Sâm Báo là dược liệu quý dùng để chữa bệnh, là thức uống ngon lành, và loại thuốc bồi bổ cho hoàng thân quốc thích trong giới hoàng gia. Sâm Báo còn là nguyên liệu dùng để chế biến thành món ăn ngon, rượu quý để vua Hồ thiết đãi trong các bữa tiệc cung đình. Thời chúa Trịnh, cây Sâm Báo cũng là một loại sâm quý, chuyên cống tiến cho vua chúa và các dịp đặc biệt.

Chủ tịch Trần Đức Minh dâng hương trong phủ Chúa Trịnh

Khi nhà Hồ diệt vong, chúa Trịnh suy tàn… Sâm Báo đã thất truyền, chỉ số ít người biết về công dụng tuyệt diệu của cây sâm. Điều này đã thôi thúc ông Trần Đức Minh và cộng sự đi tìm giống cây Sâm Báo quý hiếm.

Ông Minh tiết lộ, trong cuốn sách “Thanh Hoá tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo (tri huyện Vĩnh Lộc) viết năm Gia Long thứ 15 (năm 1816) có nhắc đến loại sản vật này. “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng (nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo có nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 cũng đã nói về tác dụng của cây Sâm Báo: “Sâm Báo chất nhỏ mà trắng, vị đắng, có tính mát, có thể giải nhiệt”.

Doanh nhân Văn hóa Trần Đức Minh và cộng sự trong lần đi tìm cây sâm Báo thuần chủng trên núi Báo

Cùng với việc tìm đọc tài liệu về Sâm Báo, ông Minh đã tìm gặp các cụ cao niên, đặc biệt là con cháu trong gia phả họ Hồ, họ Trịnh tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông coi câu chuyện về Sâm Báo như tư liệu quý, cẩn thận ghi chép lại.

Cụ Trịnh Thế Trung (93 tuổi) hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Trịnh tại Thanh Hóa, cho biết: “Thời Đại Việt đã phong cây Sâm Báo là “Đệ nhất danh sâm”. Thời chúa Trịnh tôn phò nhà Lê, danh y Lê Hữu Trác đã dùng Sâm Báo cứu được rất nhiều người trong cung. Sâm Báo tính bình, có nhiều tác dụng đặc biệt, thuở xưa chỉ vua chúa mới được dùng, tiếc rằng cây sâm đang dần rơi vào quên lãng.”

Những tư liệu quý mà ông Minh thu lượm được càng khiến ông tìm bằng được giống Sâm Báo tự lâu đời. “Trước đây chỉ có vua chúa mới được dùng sâm này nhưng giờ tôi muốn có nhiều người Việt trong nước và quốc tế được sử dụng sâm quý. Nếu như không có sự đầu tư để nhân giống, gieo trồng thì cây sâm rất dễ bị tuyệt chủng.”, ông Minh trăn trở.

Cây Sâm Báo mọc tự nhiên trên núi Báo thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Niềm vui của ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Triso Group và các cộng sự khi tìm được sâm Báo thuần chủng

Hoa sâm rực rỡ trên núi Báo

Suốt 5 năm ròng rã (2015-2019), ông Minh không nhớ nổi mình đã gặp bao nhiêu người tại đất Vĩnh Lộc, bao lần ông dãi nắng dầm mưa leo núi Báo tìm giống sâm quý thuần chủng, mọc tự nhiên. Quá trình này ông nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc - quê hương của cây Sâm Báo.

Trong đoàn công tác nghiên cứu về cây Sâm Báo có sự tham gia của ông Mai Xuân Luôn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dược liệu Bắc Trung Bộ, là một người tâm huyết, có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu Sâm Báo.

Ông Luôn cho biết: “Cây Sâm Báo được đặt tên là Sâm Báo - tức cây sâm mọc trên núi Báo bởi chúa Trịnh Sâm. Khi nghe được câu chuyện mong muốn tìm lại cây sâm quý thuần chủng từ ông Trần Đức Minh, tôi rất hồ hởi tham gia.”

Trải qua tháng ngày ròng rã, chịu cái nóng miền Trung gắt gao, mồ hôi thấm đẫm từng vai áo… có lúc chỉ muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, niềm khát khao tận mắt chứng kiến cây Sâm Báo thuần chủng, mọc tự nhiên trên núi Báo đã thúc giục ông Trần Đức Minh kiên trì.

Hoa Sâm Báo rực rỡ dưới nắng hạ đất Vĩnh Lộc

Một ngày giữa tháng 7 năm 2018, vượt qua các con dốc cheo leo với những phiến đá sắc nhọn chắn ngang, chui qua nhiều đoạn cây rừng đổ, bụi gai chằng chịt… đoàn đã tìm thấy cây Sâm mọc tự nhiên trên núi Báo. Ai nấy đều vui mừng khi tận mắt chứng kiến cây Sâm khỏe khoắn, hoa đỏ rực rỡ, khoe sắc dưới nắng gắt trưa hè trên núi Báo.

Tìm được cây Sâm Báo thuần chủng, ông Trần Đức Minh càng thêm quyết tâm đưa cây Sâm Báo quý hiếm có thể chăm sóc sức khỏe cho nhiều người. Ông luôn dặn lòng “Sẽ không để cây Sâm Báo, một “bảo vật sức khỏe” vang danh thời nhà Hồ, nhà Trịnh rơi vào cảnh thất truyền, lãng quên”.

Bài viết liên quan

scrolltop